Lão Đại Là Nữ Lang

Chương 27-2: Giải quyết hậu quả (2)


1 năm

trướctiếp

Sáng sớm hôm sau, người Chu gia mới lục tục về nhà.

Phó Vân Chương đích thân tiễn người Chu gia.

Đại thiếu gia Chu gia châm chọc nói: "Có tài đức gì mà dám làm phiền cử nhân lão gia ra tiễn thế này."

Dù người Chu gia có móc mỉa thế nào, mặt Phó Vân Chương cũng không đổi sắc, tiễn bọn họ ra tận thuyền đang đậu ngoài bến, chờ tới khi thuyền tới chỗ ngoặt không nhìn thấy nữa mới xoay người trở về

Trên thuyền, người Chu gia cao giọng mắng chửi người Phó gia ỷ thế hiếp đáp người.

Đại thiếu gia buông rèm, không tiếp tục nhìn về hướng bến tàu nữa, cười tự giễu, "Vị nhị thiếu gia này là người không đơn giản, rõ ràng lần này chúng ta bị thiệt nhưng ta lại không hề thấy ghét hắn chút nào."

Cả khoang thuyền chợt yên tĩnh, người Chu gia trầm hẳn xuống.

Một lúc lâu sau, một người trong góc hừ lạnh: "Tam thiếu gia nhà chúng ta cũng là người có thiên phú học hành, tương lai tham gia khoa cử, nhất định sẽ giỏi hơn nhị thiếu gia Phó gia đó cho mà xem!"

Mọi người bật cười, lấy lại tinh thần, "Không sai, sông có khúc, người lúc, rồi cũng sẽ đến ngày chúng ta được nở mày nở mặt."

Phó Vân Chương về đến nhà, lúc đi qua bậc cửa, bước chân hơi loạng choạng.

Gã sai vặt sợ hãi, không màng quy củ gì nữa, chạy lại đỡ y, "Nhị thiếu gia!"

"Không sao." Phó Vân Chương đứng vững, day day ấn đường, đi về hướng Lâm Lang Sơn Phòng.

Gã sai vặt đuổi theo, "Nhị thiếu gia, hôm qua lão thái thái nói khi nào ngài trở về thì bảo ngài lập tức đến Phật đường gặp lão thái thái."

Phó Vân Chương nhíu mày, thở dài, đổi hướng đi Phật đường

Trần lão thái thái tin Phật, viện của bà gồm năm gian lớn, ba gian bên ngoài, hai gian bên trong, trong đó ba gian đã được phá vách ngăn để tạo thành Phật đường lễ Phật. Sáng sớm, lão thái thái niệm kinh trong Phật đường. Từ cửa sổ hướng nam đang hé mở, một làn khói mờ uốn lượn tỏa ra.

"Nhị ca ca." Phó Vân Chương bước vào hành lang đã gặp một người đứng dang hai tay chắn trước mặt y, bĩu môi hỏi, "Có phải Tô Đồng lần này không thi được tú tài không?"

Phó Vân Chương nhíu mày, khẽ nói: "Dung tỷ nhi, đáng lẽ đầu tiên muội nên hỏi là Tô Đồng bị thường có nặng không."

"Hỏi thế thì biết đến bao giờ mới xong. Nhị ca ca, huynh đừng có soi mói chỗ sai của muội nữa được không?" Phó Dung hừ một tiếng, giận dỗi, "Tô Đồng không đi thi được... Chuyện hôn nhân của muội thế nào bây giờ?"

"Việc này phải xem ý mẹ thế nào đã." Phó Vân Chương nhẹ kéo ống tay áo, vòng qua người Phó Dung, đi về phía trước.

Phó Dung cắn môi, nhị ca ca không hẳn nói vậy cho xong chuyện. Hôn nhân của nàng thật sự đều do mẹ quyết định, chuyện đính hôn với Tô Đồng cũng chính là do mẹ chọn cho nàng. Nàng dặn dò nha hoàn bên cạnh, "Ta mệt rồi, về phòng trước đây. Ngươi đứng ở đây, nếu mẹ tìm ta thì lập tức trở về thông báo."

Nha hoàn vâng vâng dạ dạ.

Phật đường tràn ngập mùi hương, mỗi ngày nơi này đốt hơn mười loại hương liệu nên không chỉ có rèm màn gối đệm, đến gạch đá và bụi đất trong phòng có khi cũng đã được ướp hương rồi.

Trần lão thái thái quỳ trên đệm hương bồ, nhắm mắt tụng kinh niệm Phật, tay lần một chuỗi Phật châu đen bóng, nghe thấy tiếng bước chân cũng không mở mắt, "Vết thương của Tô Đồng có thể chữa khỏi không?"

Phó Vân Chương gạt trường bào quỳ xuống tấm thảm phía sau Trần lão thái thái, mắt khép hờ, chậm rãi trả lời: "Sẽ không có ảnh hưởng đến chuyện đọc sách viết chữ sau này, nhưng năm nay không thể tham gia viện thí. Người Chu gia đã đồng ý bồi thường cho Tô gia hai mươi lượng bạc, một trăm mẫu đất trên núi. Tứ thúc rất áy náy, nhất định đòi tự chu cấp chi phí học tập cho
Tô Đồng, con đã thay Tô Đồng từ chối rồi."

Trần lão thái thái day day ấn đường đã nhíu chặt, "Đang yên đang lành, làm sao lại ra nông nỗi này? Ta thấy là do mệnh nó không tốt, không may mắn, có lẽ không phù hợp với Dung tỷ nhi. Trước đây còn thấy nó thông minh lanh lợi, trông cũng tuấn tú sáng sủa, không ngờ lại vô dụng như thế, người khác đánh nhau thì kệ họ, nó xông vào làm cái gì? Tự làm tự chịu."

Phó Vân Chương trầm một lúc lâu, ra là mẹ y cũng không quan tâm y xử lý chuyện Tô Đồng bị thương như thế nào, "Mẹ, nếu người không thích Tô Đồng thì việc hôn nhân này..."

"Trước đã nói rồi, nó thi đỗ tú tài thì sẽ đính hôn, giờ thì là do chính nó không chịu cố gắng." Trần lão thái thái nói.

Phản ứng của bà đã nằm trong dự kiến của Phó Vân Chương, lúc trước bà chọn Tô Đồng, không phải vì nhân phẩm Tô Đồng tốt đẹp thế nào, mà là nghe người ta nói sau y, Tô Đồng rất có thể trở thành tú tài trẻ tuổi nhất của huyện Hoàng Châu, thế mới ưu ái Tô Đồng như vậy. Bà chỉ để ý đến công danh chứ không quan tâm bất cứ thứ gì khác.

Nhiều khi Phó Vân Chương nghĩ nếu ngày ấy y không đỗ tú tài, mẹ y sẽ đối xử với y ra sao?

Khi con nhà người ta còn lăn lộn trong bùn đất, y đã bắt đầu cầm bút trúc học viết. Từ khi có trí nhớ, y hoàn toàn không có bạn chơi, không có vui đùa, chỉ có những cuốn sách rách nát ở bên y, cùng y chịu đựng những đêm dài chong đèn đọc sách.

Y nào có phải sao Văn Khúc giáng trần thật đâu cơ chứ, y chỉ là một thiếu niên bình thường, sẽ có lúc nghịch ngợm, cũng sẽ có lúc mệt mỏi. Nhưng y không thể thả lỏng bản thân, không thể lười biếng, bởi vì mẹ y nuôi y đọc sách, từ sáng sớm đến tối muộn, nhà bọn họ không bao giờ ngừng tiếng khung cửi, có khi tới đêm mới dừng lại.

Vì y, mẹ y đã dốc hết tâm huyết, y không có gì báo đáp, chỉ có thể ngồi bên bàn cần cù học tập.

Bao nhiêu lần y đọc sách tới tận nửa đêm, ngẩng đầu nhìn bên ngoài cửa sổ, giữa bóng đêm đặc quánh, lòng y trống rỗng.

Cả đời y sẽ thế này, đơn điệu như thế, nhạt nhẽo như thế.

Tô Đồng cũng giống y, cũng là từ nhỏ đã không có cha, gia cảnh sa sút, cô nhi quả phụ nương tựa lẫn nhau, cần phải dựa vào việc học hành để vực lại gia tộc.

Nhưng hai người họ lại không hẳn là giống nhau. Tô Đồng có mục tiêu rõ ràng, ít ra hắn biết hắn muốn cái gì.

Phó Vân Chương vốn không đánh giá cao chuyện hôn nhân của Tô Đồng và Phó Dung, Tô Đồng quá chú trọng hiệu quả và lợi ích, sớm muộn gì hắn cũng sẽ trở nên nổi bật rồi một bước lên mây. Với hắn, Phó Dung còn chưa đủ tốt.

Việc hôn nhân này không thành cũng tốt.

Y nhất thời xúc động, ngẩn ra hồi lâu. Trần lão thái thái cũng không để tâm đến y, tiếp tục đọc kinh văn.

Mặt trời đã dần lên cao, ánh sáng xuyên qua tấm rèm dày, những đốm nắng vương vãi trên nền gạch đá. Từ xa lờ mờ truyền lại tiếng gà gáy, chó sủa, tiếng những người mẹ đứng trước cửa viện gọi đứa con nghịch ngợm về nhà ăn sáng.

Phó Vân Chương đứng dậy, lặng lẽ rời Phật Đường.

Lâm Lang Sơn Phòng vẫn luôn như thế, một hồ nước gợn sóng lấp lánh, một khối đá Linh Bích tự nhiên sừng sững, tường viện trắng tựa mây dưới ánh mặt trời chiếu rọi.

Y đứng trước bậc thềm nhìn lên mấy chữ "Lâm Lang Sơn Phòng", chữ viết uyển chuyển tú lệ, vẫn là thể đài các* hiện rất thịnh hành trong triều nhưng nét bút lại ngay ngắn chỉnh tề chứ không lả lướt yếu mềm.

Tối hôm qua có lẽ y đã làm cho cô bé ấy sợ rồi, cô bé ấy từ nay về sau chắc sẽ không tới nữa.

Y bước vào thư phòng, đấy cửa rồi bỗng ngẩn ra.

Một cô bé đầu chải tóc song kế, mặc váy áo xanh lục đeo thắt lưng thêu hoa nhỏ đang ngồi trên chiếc ghế trước bàn nhỏ, trong tay cầm một quyển sách. Nàng ngồi nghiêm túc ngay ngắn, trên đầu cài một cây trâm, đầu trâm có hình chiếc đèn lồng nhỏ xinh xắn nhưng bởi nàng quá tập trung, đầu trâm cũng không hề đung đưa chút nào. Y mở cửa, ánh nắng chiếu vào, chiếc trâm trên đầu nàng lấp lánh.


Nghe thấy tiếng bước chân, nàng hơi nghiêng người, ngẩng đầu lên nhìn y, vẫn là cái nhìn bình đạm mà y đã quen thuộc từ lâu, "Nhị ca, huynh về muộn."

Lời tác giả:

Thể đài các: Là một thể văn, cũng là một thể chữ (thư pháp).

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play

trướctiếp