Bí Thư Tỉnh Ủy

Quyển 1 - Chương 23


...

trướctiếp

Ông Kim ghé vào thăm trường cấp Ba và thăm con gái ở chỗ sơ tán rồi đưa trả Đơn về trụ sở ủy ban xã Cao Sơn. Khi xe ra khỏi cổng, Hành hỏi:

- Bây giờ đi đâu đây bí thư?

- Định lên chỗ sơ tán của xí nghiệp cơ khí của tỉnh xem tình hình sản xuất và ăn ở của công nhân như thế nào nhưng có lẽ muộn giờ rồi, hôm sau đi. Bây giờ đi thẳng lên đầm Voi xem có sếu bắn mấy con đem về nướng lên ăn mừng.

Đô hỏi:

- Ăn mừng chuyện gì hả anh?

- Cậu bảo cái chuyện làm ăn của cái tay gì ở Đằng Xá không đáng ăn mừng hay sao. Sau Hồng Vân bây giờ đến Đằng Xá, coi như cái hàng rào sắt bao quanh Hợp tác xã đã mở được hai chỗ rồi. Cậu bảo không đáng ăn mừng hay sao.

- Em nghĩ không đơn giản đâu ạ. Em có một nhận xét khi còn ngồi làm việc với các ông lãnh đạo ở Đằng Xá, một số người không dám phản đối cách làm ăn của anh Hoãn bởi vì có mặt anh ở đó. Ngay cái ông bí thư đảng ủy thái độ cũng rất mập mờ. Họ muốn cứ làm đúng những điều đã quy định, xã viên có đói thì bản thân họ chẳng mất gì. Cũng chẳng ai kiểm điểm họ được bởi họ làm đúng chủ trương chính sách. Làm khác đi có khi họ bị mất cái ghế đang ngồi kéo theo bao nhiêu thứ thiệt thòi khác.

- Cậu dội gáo nước lạnh vào nguồn vui của tớ rồi. Nhưng tớ vẫn tin cái bụng đói của nông dân sẽ vượt qua các rào cản của cơ chế. Nhất định là vượt qua.

- Em tin, nhưng bệnh quy kết bây giờ đâu đã hết. Anh thấy ở Hợp tác xã Đằng Xá đấy thì rõ. Muốn thay đổi cách thức làm ăn nhưng sợ quy cho tội đi ngược lại đường lối Hợp tác hóa của Đảng.

- Tớ biết điều cậu nói: Cái ngày tớ còn công tác ở Cục động viên và dân quân của Bộ Tổng tham mưu, thấy tớ đeo quân hàm thượng tá mà suốt ngày ôm khư khư cái điếu cày, có ông hỏi tớ: Anh không thay thuốc lào bằng thuốc lá được hay sao mà lúc nào cũng rít thuốc lào sòng sọc như cái ông dân cày thế? Tớ bảo: Mẹ tôi đi cấy đẻ rơi tôi ngay xuống ruộng, sữa mẹ chưa kịp bú thì đã bú nước bùn nên tôi nhiễm phải cái tính của nông dân vào máu rồi, khó thay đổi lắm. Tưởng nói đùa cho vui, ai hay một lần tớ cãi nhau với cấp trên thế là bị đưa ra kiểm điểm ở chi bộ. Người ta quy kết tớ mang nặng tư tưởng tự do vô tổ chức của nông dân từ trong máu. Rồi họ lấy câu nói của tớ ra để làm dẫn chứng. Bây giờ nghĩ lại sao thấy nhận thức ngày ấy ngây thơ thế không biết.

Khi mọi người đang say sưa nói chuyện thì từ rất xa, phía bầu trời trước mặt xuất hiện những chấm đen. Hành là người nhìn thấy đầu tiên, kêu lên:

- Bí thư và anh Đô nhìn kìa. Một đàn sếu đang bay về hướng đầm Voi. Không khéo có đến ba, bốn chục con là ít.

- Hôm nay cố gắng kiếm lấy dăm con ăn một bữa cho đỡ thèm – Đô nói.

Xe chạy thêm một đoạn đường nữa ông Kim bảo Hành cho xe dừng lại. Hành ngạc nhiên hỏi:

- Sao dừng xa thế ạ?

- Cái giống sếu này ranh ma lắm. Cậu Hành cứ ngồi trên xe nhé. Thấy đông người chúng nó cũng cảnh giác đấy. Chỉ một mình tớ và cậu Đô đi là được rồi.

Trước mặt ông Kim và Đô hiện ra một cái đầm nước mênh mông. Bao quanh đầm là các ruộng lúa đang thì đẻ nhánh. Đến gần đầm, ông Kim lom khom quan sát một lát rồi hỏi Đô:

- Có thấy chúng nó không?

- Lúa che khuất nên rất khó nhìn.

- Cậu quan sát những ruộng lúa quanh đầm ấy. Chúng nó thường ăn quanh quẩn những ruộng lúa quanh đầm chứ không mấy khi ăn ở những đám ruộng cao.

- Hình như có mấy con đang ăn dọc rìa đầm. Đúng rồi. Anh thấy chưa? Cạnh đám ruộng lúa màu vàng vàng ấy. Ôi nhiều lắm! Có đến vài chục con là ít. Anh chưa thấy à? Anh nằm núp đây đưa súng cho em.

- Để tớ bắn. Tớ thấy rồi. Cậu ngồi đây quan sát những con bị thương bay một đoạn sẽ rơi vào ruộng lúa nhé.

Ông Kim cầm khẩu súng hai nòng bò dần về phía đầm. Càng gần đàn sếu đang ăn, ông bò càng cẩn thận. Mắt ông không rời nhìn về phía trước. Nhìn động tác của ông biết ngay ông là người rất thành thạo trong việc săn bắn. Ông Kim dừng lại nằm im quan sát. Lát sau ông từ từ bẻ gập nòng súng và cho hai viên đạn vào nòng. Ông rón rén đưa súng lên ngắm vào chỗ những con sếu đang túm tụm tìm mồi với nhau. Hình đàn sếu lọt vào trong tầm ngắm của ông. Hai tiếng nổ vang lên dội vào vách núi. Những con sếu sống sót hốt hoảng bay vút lên trời. Ông Kim quẳng khẩu súng xuống đất rồi chạy nhanh về phía đầm nước. Bốn con sếu to như con vịt cỏ chết nằm rải rác. Ông Kim đi gom lại xách đưa lên cao muốn báo cho Đô biết kết quả hai phát đạn vừa bắn. Từ xa Đô cũng cầm một con sếu đưa lên cao vẫy vẫy rồi tiếp tục tìm kiếm. Ông Kim đi đến chỗ Đô.

- Còn con nào bị thương nữa hay sao mà tìm?

- Em thấy còn một con lao xuống chỗ này mà tìm mãi không thấy đâu.

Ông Kim đưa cho Đô xách thêm hai con rồi hai người cùng đi tìm. Bây giờ ông Kim mới để ý đến những ruộng lúa ở chung quanh mình. Những bông lúa ngắn tày ngón tay trỏ của ông đang đứng chong lên như đám cờ cây ngô, mỗi bông không có lấy được vài chục hạt. Ruộng khô nứt nẻ, đất bạc trắng. Khắp cánh đồng không một bóng người. Tâm trạng ông chẳng còn hứng thú gì với buổi săn bắn. Ông ngẩn ngơ đưa mắt nhìn khắp cánh đồng trước mặt. Lòng ông buồn tê tái. Ông Kim quẳng nốt hai con sếu đang cầm trên tay cho Đô rồi bươn bả đi hết ruộng lúa này đến ruộng lúa khác. Chỉ còn thiếu một chút không cầm lòng được là nước mắt ông Kim trào ra. Từ xa, một người đàn ông chừng trên dưới sáu mươi tuổi, người chắc nịch ăn mặc quần áo của người Dao vác trên vai cây dao quắm đi về phía ông Kim. Chưa đến nơi ông già đã nói oang oang:

- Bí thư Kêm đấy à. Tao nghe hai tiếng súng nổ là biết ngay bí thư Kêm đang bắn sếu mà. Quên nhà tao rồi hay sao mà không vào?

Ông Kim mừng rỡ:

- Ông Tào đấy à. Khỏe không?

- Khỏe lắm. Ăn ba bát cơm mà chưa thấy no. Định không vào nhà tao hay sao?

- Làm việc với xã Cao Sơn rồi đi thăm thầy cô giáo và các em học sinh sơ tán xong tranh thủ đi bắn mấy con sếu kẻo sợ trời tối nên chưa vào được.

- Sếu về đã đến tháng nay tao nghĩ thế nào bí thư Kêm cũng lên bắn, trông mãi mà chẳng thấy đâu. Vào nhà tao uống rượu ăn cơm rồi về. Không vào là tao giận đấy.

- Ông Tào này. Vì sao lúa chín đỏ đuôi rồi mà Hợp tác không cho xã viên tát nước, để ruộng nứt nẻ thế này lấy gì mà ăn?

- Ối dà. Người ta muốn làm thế đó mà.

- Người ta là ai?

- Người ta là xã viên ấy mà. Họ quên hết việc làm ruộng rồi.

- Sao lại quên hết việc làm ruộng?

- Bí thư Kêm vào nhà tao kể cho nghe, đứng đây thì tao không nói đâu.

- Ông để cho lần khác được không, hôm nay trời sắp tối rồi.

- Đèn ô-tô còn sáng hơn mắt con hươu con nai lo gì tối. Bí thư Kêm không vào là tao giận đấy. Mà tao đã giận thì cả cái Hợp tác xã Du Thượng cũng theo tao mà giận bí thư Kêm đấy. Mà cũng phải cho tao đi một đoạn ô-tô để biết cái xe chạy như thế nào chứ. Ngày trước đi đâu tao toàn đi ngựa. Bây giờ ngựa bán rồi, xe đạp không mua được nên lâu lắm rồi đi đâu tao toàn đi bộ thôi.

- Ông đã nói thế thì anh em tôi vào. Nhưng không ăn cơm uống rượu đâu đấy nhé.

Ông Kim, ông Tào và Đô đi về chỗ xe đỗ. Thấy Đô xách bốn năm con sếu, Hành từ trong xe chạy xuống kêu lên:

- Hôm nay bắn được nhiều quá nhỉ.

- Bắn lần đầu tiên của mùa này nên sếu không cảnh giác, lần sau có đi bắn nữa đừng hòng được nhiều như thế này. Bây giờ cậu cho xe đi vào nhà ông Tào chơi một lúc thăm ông bà ấy rồi về.

- Vâng. Mời ông lên xe.

Nhà ông Tào khá rộng. Gian bên cạnh một bếp lửa cháy rừng rực. Bà Tào đang ngồi trẩy ngô ra một cái rá. Thấy ông Kim vào bà mừng rỡ:

- Lâu lắm mới thấy bí thư Kim lên Du Thượng đấy nhỉ.

- Tỉnh có đến mấy trăm xã. Đi cho hết một vòng có khi cũng phải mất một năm mới quay lại được bà ạ.

- Chúng tôi cũng biết bí thư Kim bận việc lắm mà.

Ông Tào xách một ấm nước ra rót mời khách.

- Hai chú uống nước xong đem sếu ra vặt sạch lông rồi đem vào bếp lửa nướng cho nó vàng da thì có để đến sáng mai thịt vẫn thơm. Xách cả lông lá như vậy về đến nhà là nó cứng ra ăn tanh lắm.

- Ông nói cũng có lí đấy nhỉ – Hành nói.

- Người dân tộc săn bắn nhiều nên mới biết đấy – Ông Tào quay sang bà Tào – Bà bỏ ngô lại đấy đi nấu xôi sắn đãi khách quý đi.

- Tôi vào nhà thăm ông bà một lát rồi về chứ không cơm nước gì đâu.

- Không mời bí thư Kêm ăn cơm đâu. Mời ăn xôi sắn với thịt lợn treo bếp thôi. Không ăn là tao giận và cả Du Thượng giận theo đấy.

Ông Kim cười vui vẻ:

- Tôi mắc lừa ông rồi. Không khéo ăn cơm xong ông lại mời tôi ngủ lại cũng nên.

Ông Tào cũng cười vui vẻ:

- Người Dao thật thà lắm không lừa bí thư Kêm đâu. Quý lắm mới làm thế thôi. Khi nãy ở ngoài ruộng ông hỏi tôi vì sao lúa chín sắp gặt sao không cho nước vào ruộng phải không? Ông muốn biết vì sao thì ở lại ăn cơm rồi tôi kể cho nghe. Nếu về thì thôi. Mà tôi còn kể nhiều chuyện nữa chứ không chỉ có không gặt lúa đâu.

Biết không thể từ chối được nên ông Kim bảo Đô:

- Cậu để hai con xách về làm quà cho các bà ở nhà, còn mổ ba con ăn liên hoan tại chỗ.

Ông Tào khoát tay:

- Không phải thế. Không phải thế. Đưa về hết. Tao có thịt lợn nhiều lắm rồi.

- Ông góp thịt lợn, chúng tôi góp thịt sếu ăn với nhau. Như thế mới đoàn kết được.

- Thịt chim sếu không ăn được với xôi sắn đâu, say đấy.

Ông Kim cười:

- Ông Tào trước đây thật thà lắm mà bây giờ cũng biết nói dối kia à?

- Bí thư Kêm khôn hơn tao rồi. Tao mới nói thế mà đã nhìn thấu trong bụng tao. Vậy thì nướng hai con thôi, cầm về ba con. Tao quý bí thư Kêm lắm tao mới nghe lời. Bây giờ nếu bí thư Kêm quý gia đình tao thì cũng phải nghe lời tao. Chỉ nướng hai con thôi. Nếu không nghe là tao giận đấy.

- Có phải ông giận thì cả xã Du Thượng giận theo không? – Hỏi xong ông Kim cười rồi bảo Đô – Hai cậu mổ hai con thôi nhé. Mổ ba con, ông Tào giận và cả Du Thượng giận theo đấy. Ông nói gì tôi cũng nghe theo rồi. Bây giờ ông kể cho tôi nghe vì sao hợp tác không cho xã viên tát nước vào ruộng.

- Không phải Hợp tác không cho xã viên tát nước mà xã viên không chịu tát thôi.

Ông Kim ngạc nhiên:

- Sao xã viên lại không chịu tát nước. Thắc mắc với Hợp tác à?

– Không phải đâu. Bí thư Kêm nghĩ xem. Lúa xấu như vậy sau này có gặt về giao cho Hợp tác công điểm chắc gì đã được một bát thóc. Một ngày làm việc mà chỉ được một bát thóc thì thà vào rừng đào củ mài củ choóc ăn còn được no hơn.

Thì ra là thế. Ông Kim thấy bức bối trong lòng, nhưng không hiểu mình bức bối chuyện gì. Ông nói vẻ hờn dỗi:

- Lúa xấu là do mình chứ do ai.

Ông Tào cười vô tư:

- Tao đã bảo với bí thư Kêm khi còn ở ngoài ruộng. Nông dân bây giờ không còn biết làm ruộng nữa rồi.

- Sao lại không biết làm ruộng?

- Đàn ông cày ruộng thì đường cày, đường bỏ. Đàn bà bón phân làm cỏ thì chỉ làm quanh bờ thôi. Lội xa ra giữa ruộng sợ mỏi cái lưng.

- Thế chủ nhiệm và đội trưởng không kiểm tra hay sao?

- Đội trưởng và chủ nhiệm đi họp được nhiều điểm hơn mà còn được ăn, được uống rượu nữa nên ngày nào cũng họp.

- Thế xã viên không nói gì sao?

- Điếc hết rồi, chẳng ai nghe.

Ông Kim không nghĩ cái căn bệnh làm ăn gian dối lại len lỏi tới cái nơi sơn cùng thủy tận này. Cái nơi xưa nay sống chân phương thật thà gần như đã thành phong tục. Nói một là một, nói hai là hai chứ không biết gian dối là gì. Ông Kim vớ điếu cày hút liên tục mấy điếu liền rồi ngồi thừ ra như bị ai lấy mất hồn vía.

- Bí thư Kêm nghe tao nói thế này có được không.

Ông Kim giật mình:

- Ông định nói gì?

- Nhưng nếu nghe không được thì đừng có phê bình tao.

- Tôi phê bình ông giận tôi, rồi cả xã Du Thượng giận theo thì sao – Ông Kim vui vẻ hồn nhiên trở lại.

- Phê bình để cho cái đầu tao mở mang ra thì tao không giận đâu.

- Được rồi. Ông nói đi.

- Tao tính thế này. Bí thư Kêm đứng ra làm địa chủ rồi chia đất cho bọn tao. Mỗi năm thu bao nhiêu thóc chúng tao nộp đủ. Còn lại chúng tao hưởng. Làm thế thì chẳng có ai lười hết.

Ông Kim cười to:

- Ông lại xui dại tôi rồi. Tôi làm địa chủ rồi các ông bắt tôi đem đi đấu tố thì sao.

- Không phải bảo riêng một mình bí thư Kêm làm địa chủ mà bảo cả tỉnh ủy. Tỉnh ủy cứ chia ruộng lại cho dân như ngày chưa vào Hợp tác. Bảo nộp bao nhiêu thuế, chúng tao nộp. Bảo bán cho Nhà nước bao nhiêu cân chúng tao bán. Tao muốn thả bao nhiêu trâu bao nhiêu bò mặc tao. Bí thư Kêm bảo tao tính thế có được không?

- Nếu tôi thu mua hết không để cho ông cân nào thì sao?

- Đảng không khi nào làm chuyện đó với dân. Tao biết thế mà.

Ông Kim ngẫm nghĩ một lát rồi bảo:

- Tôi không làm địa chủ mà giao cho ông làm chủ nhiệm Hợp tác xã thì ông định làm gì?

- Chịu thôi. Dân hư hỏng hết rồi. Tao không nói được nó đâu.

- Giả sử dân không hư hỏng thì ông làm gì?

- Tao chia ruộng cho xã viên làm. Nộp đủ thuế và bán đủ nghĩa vụ cho Nhà nước, còn lại cho hưởng tất.

- Như vậy có khác gì quay lại thời kỳ làm ăn riêng lẻ? Nếu thế thì việc gì tôi bầu ông làm chủ nhiệm Hợp tác?

- Không có chủ nhiệm thì ai đi mua phân, mua thuốc trừ sâu cho xã viên. Rồi ai giục xã viên đóng thuế, bán thóc, bán lợn nghĩa vụ cho Nhà nước. Rồi còn điều hòa thủy lợi. Có ối việc cho chủ nhiệm làm.

- Thế chia ruộng đất cho xã viên làm ăn riêng lẻ, ông không sợ làm như vậy là sai đường lối chính sách của Đảng à?

- Thấy dân được ăn no mà còn thừa thóc chắc Đảng không phê bình đâu.

Ông Kim hút thuốc lào đăm chiêu suy nghĩ. Ông Tào đứng lên đi đến góc nhà lấy từ trong cái gùi ra một chai mật ong quay lại ngồi xuống cạnh ông Kim:

- Hôm trước gặp được tổ ong rừng nhiều mật quá. Biết bí thư Kêm bị đau dạ dày nên để dành cho ông một chai đây.

- Ông để đấy mà dùng. Bác sĩ đã chữa cho tôi lành dạ dày rồi.

- Bí thư Kêm lại nói dối rồi. Vừa rồi tao thấy bí thư Kêm sờ vào bụng rồi nhăn mặt nên tao mới nhớ đến chai mật ong.

- Tôi hết đau thật rồi mà.

- Bí thư Kêm mà không lấy là tao giận thật đấy. Có quý nhau mới cho nhau. Cũng vì quý nhau nên mới nhận của nhau. Người Dao tao thường bảo thế. Bí thư Kêm không nhận là không quý tao và cũng chẳng quý người Dao nữa rồi.

- Tôi thua cái lí của ông rồi. Ông đã nói thế thì tôi nhận chứ biết sao bây giờ. Nhà bí thư chi bộ và Chủ nhiệm Hợp tác xã có gần đây không? – Ông Kim hỏi đột ngột.

- Gần đây thôi.

- Có cháu nào ở nhà, ông bảo nó đi gọi bí thư chi bộ và Chủ nhiệm Hợp tác cho tôi gặp được không?

Ông Tào đứng lên đi ra sau vườn gọi qua nhà thằng con trai ở sát cạnh nhà ông. Lát sau bí thư chi bộ và chủ nhiệm Hợp tác xã tới. Không để hai người kịp ngồi, ông Kim hỏi luôn:

- Lúa ngoài đồng đã chín đỏ đuôi, sao các anh không cho tát nước vào để nuôi hạt?

- Báo cáo bí thư. Ngay từ khi thóc mới ngậm sữa, chúng tôi đã điều hết đội này sang đội khác bảo cho xã viên tát nước cho lúa nhưng bà con không ai chịu đi. Lí do bà con đưa ra là lúa xấu quá chăm chẳng bõ công – Chủ nhiệm Hợp tác xã nói một cách hồn nhiên.

- Vì sao lúa xấu? Có phải Ban quản trị bận uống rượu nên không đi kiểm tra việc cày cấy của xã viên nên ai muốn làm gì thì làm có phải không?

Nghe ông Kim hỏi vậy, Chủ nhiệm Hợp tác xã run bần bật, mồm lắp bắp:

- Không có chuyện ấy đâu ạ.

- Thôi được rồi, có hay không, tôi sẽ hỏi tội các anh sau. Hạt thóc là hạt ngọc, không thể để như vậy được. Sau đây các anh về cho họp chi bộ, bàn với các đội sản xuất sáng mai tổ chức cho bà con ra đồng tát nước. Nói cho bà con biết vụ này gặt xong cứ tính theo nhân khẩu của các hộ chia tất cho bà con, Hợp tác xã không được giữ lại một hột. Tôi sẽ thông báo chủ trương này cho chủ tịch và bí thư huyện ủy biết, các anh không phải lo.

Mọi con mắt ngơ ngác trước quyết định có một không hai của ông Kim.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play

trướctiếp