Bí Thư Tỉnh Ủy

Quyển 1 - Chương 5


...

trướctiếp

Chị Thu đang đứng nấu cơm thì Đô dắt xe đạp của Chi xuống. Đô nhìn quanh không thấy chiếc xe đạp đi tiếp phẩm ở đâu liền hỏi chị Thu:

- Xe tiếp phẩm để ở đâu chị Thu?

- Chú Hiệp đi chợ rồi, chú hỏi làm gì?

- Anh Kim bảo lấy lốp xe tiếp phẩm lắp thay chiếc lốp hỏng của cô Chi, bí thư huyện ủy Tam Bình.

Chị Thu chạy ra xem cái lốp buộc chằng chịt dây cao su của Chi rồi kêu lên:

- Ông Kim định lắp cái lốp rách này cho xe tiếp phẩm à?

- Vâng.

Chị Thu nhìn kỹ cái lốp xe của Chi lần nữa rồi bảo:

- Cái lốp này tháo ra nhóm bếp cũng không xứng, nói gì lắp vào xe tiếp phẩm. Không có xe đi chợ, ông bí thư định cho cơ quan ăn muối chắc?

- Công bằng mà nói, hàng ngày tiếp phẩm đi chợ vài lần, đoạn đường chỉ vài cây số, nhỡ xe có hỏng vẫn dắt bộ đưa thực phẩm về cho nhà bếp được. Còn cái xe này mà bắt cô Chi ngày này sang ngày khác đạp hàng chục cây số đi xuống xã thì tội cho cô ấy quá.

Chị Thu chép miệng:

- Tôi cũng cạn nghĩ thật. Ông ấy chu đáo với cán bộ cấp dưới như thế thì mình có đi bộ để đi chợ cũng chả sao.

Nghe tiếng huýt sáo mồm của Hiệp từ xa, chị Thu bảo Đô:

- Chú Hiệp về rồi đấy.

Hiệp về đến nơi vừa dựng xe, Đô chẳng hỏi han gì chạy đến ngắm nghía hai cái bánh xe đạp. Hiệp nhìn Đô chẳng hiểu chuyện gì:

- Có chuyện gì mà ông nhìn cái xe tiếp phẩm ghê thế?

- Bí thư định tháo lốp xe tiếp phẩm thay cho xe bí thư huyện ủy Tam Bình – Đô nói tỉnh bơ.

- Ông đùa hay thật đấy. Bếp tỉnh ủy định nhịn ăn à?

- Tiếp phẩm đi tạm cái lốp xe của chị Chi rồi tính sau.

Hiệp đi đến ngắm chiếc xe của Chi rồi cười ré lên:

- Ối giời ơi. Bí thư định giao cho tôi cái mớ cao su bùng nhùng này đi tiếp phẩm thì đến bố tôi cũng không kham nổi chứ tôi.

- Ông có biết bí thư bảo nếu xe tiếp phẩm lốp yếu quá thì tháo lốp chiếc xe Mercier của bí thư thay cho chị Chi không?

Hiệp nói loãng tếch:

- Ông ấy đã có ô-tô rồi. Có tháo lốp xe đạp cũng chẳng ảnh hưởng gì. Đằng này không có xe, tôi chỉ có việc gánh quang gánh đi chợ thôi.

- Cửa hàng lương thực, thực phẩm ngay đây đi bộ mấy bước thì đã sao nào?

Hiệp gân mặt lên nói với Đô:

- Ông thấy có bữa ăn nào ông ăn thịt bạc nhạc và cá ươn của mậu dịch không. Không chứ gì? Các thứ đó mua xong tôi đành bán lại cho người ta rồi luồn lách xuống tận các chợ quê mua chui mua lủi thịt tốt cá tươi về cho bếp cơ quan đấy. Bây giờ ông định lấy lốp xe thì lấy đi. Nhưng ăn cá ươn và thịt bạc nhạc của mậu dịch thì mọi người đừng có kêu.

Đô ngạc nhiên hỏi:

- Cửa hàng thực phẩm của mậu dịch chỉ có cá ươn và thịt bạc nhạc thôi à?

Hiệp khinh khỉnh:

- Ông đúng là loại người dài lưng tốn vải ăn no lại nằm như người ta thường nói. Chẳng hiểu thời thế một chút nào sất. Không phải cửa hàng thực phẩm không có cá tươi, thịt ngon. Có cả đấy. Nhưng những thứ ấy bao giờ nhập vào cũng được nhét ngay xuống dưới gầm bàn dành bán cho con phe và ngoắc ngoặc trao đổi với những người quen biết trong ngành thương nghiệp. Tem phiếu tập thể và cá nhân chịu khó tiêu thụ thịt ươn cá thối. Không mua phiếu hết hạn đừng có kêu. Cái đầu bã đậu của ông đã sáng ra chưa nào.

Chị Thu cười:

- Chú đừng coi thường chú Đô. Chú ấy lên chánh văn phòng tỉnh ủy và trở thành tỉnh ủy viên khi nào không hay đấy.

- Lên gì thì lên, chị em mình quyền hành vẫn cao nhất. Muốn cho ai ăn no thì no, muốn cho ăn đói thì đói. Chị không thấy người ta vẫn thắp hương vái lạy táo quân đấy à.

Đô hỏi:

- Ông bảo mậu dịch muốn bán thịt ươn cá thối cho ai thì bán. Sao ông không bảo ông mua thực phẩm cho bếp tỉnh ủy?

Hiệp lắc đầu làm bộ thất vọng:

- Lại thò cái óc bã đậu ra nữa rồi. Tỉnh ủy là cái thá gì với thương nghiệp. Ông không biết thời buổi bây giờ là thời buổi nhất thân nhì thế tam quyền tứ chế à? Phải tốn bạc ngàn hoặc con ông cháu cha mới kiếm được cái chân bán hàng mậu dịch chứ ông đừng tưởng bở.

- Tôi thua kiến thức của ông rồi. Bây giờ ông có đồng ý để cho tôi tháo chiếc lốp sau của xe tiếp phẩm hay không thì bảo. Nếu không thì tôi đành đi tháo lốp xe đạp của bí thư đây.

- Tháo thì tháo. Nhưng ăn dở đừng có kêu.

- Ông đã nói vậy thì tôi đành đi tháo lốp xe của bí thư vậy.

Đô dắt xe đi được mấy bước, Hiệp nghĩ thế nào đó gọi lại:

- Tôi nói đùa cho vui thôi. Ông cứ tháo lốp xe tiếp phẩm rồi tôi tính sau. Tôi thấy bí thư cũng hay đi công tác bằng xe đạp. Tháo lốp xe, ông ấy chẳng có cái mà đi, tôi chẳng đang tâm.

Đô cười:

- Hoá ra ông cũng là người biết nghĩ. Bộ đồ chữa xe của ông đâu vào lấy ra đây cho tớ.

Tan họp, ông Kim bảo Chi theo ông đi lấy xe. Thấy Đô đang đứng ở sân, ông Kim hỏi:

- Có thay được lốp xe cho cô Chi không?

- Thay đâu vào đó xong xuôi cả rồi ạ.

Chi than phiền:

- Em làm phiền các anh quá.

- Tạo phương tiện tốt cho cô đi làm việc chứ cô có đi chơi đâu mà phiền với hà.

Bà Lê đạp xe hộc tốc về. Nhìn thấy Chi, bà vừa thở vừa hỏi:

- Hai anh em họp xong chưa?

- Xong rồi chị ạ. Chị đi đâu về mà trông vất vả thế?

- Có mấy cái phiếu đường, phiếu thịt sắp hết hạn nên hôm nay xin nghỉ mấy tiếng đi xếp hàng để mua. Bảy giờ cửa hàng mới mở cửa nhưng phải đi từ bốn giờ sáng để xếp hàng cô ạ. Đi sớm thế mà đã có hơn chục người xếp gạch, xếp nón choán chỗ rồi ngồi ngủ gà ngủ gật. Mua xong được mấy lạng đường ở bách hóa, đi đến cửa hàng thực phẩm thì thấy đã xếp hàng rồng rắn ở đó rồi, thế là hết cả buổi. Thời buổi gì mà khó khăn trăm bề.

Thấy bà Lê đặt một bó vải xuống nền nhà, Chi hỏi:

- Chị mua được cả vải nữa kia à?

Bà Lê cười:

- Bao tải đựng đường đấy. Thấy người ta chen chúc mua tôi cũng chen vào. Cửa hàng bách hóa chỉ bán cho một người hai cái. Cô Hồng biết tôi là vợ bí thư tỉnh ủy nên ưu tiên bán cho năm cái.

- Chị mua bao đựng đường về làm gì?

- Tôi giặt sạch rồi đem nhuộm màu tím than để may quần áo cho các cháu. Chúng nó đang tuổi nghịch, mấy mét phiếu vải không làm sao may đủ. Đầu năm tôi cũng mua được bốn bao, may cho thằng Bắc, cái Dương mỗi đứa một cái quần. Ấy, trông thế mà bền và đẹp ra phết cô ạ. Giặt vài lần mặt vải lì ra trông chẳng khác gì vải si-mi-li.

Ông Kim rít một hơi thuốc lào, nhìn ra xa rồi nói giọng buồn buồn:

- Ngày xưa như tôi bây giờ được coi là quan đầu tỉnh. Vợ đẹp, con ngoan, ô-tô nhà lầu, kẻ hầu người hạ chẳng thiếu thứ gì. Bây giờ thì năm đứa con cả trai lẫn gái, đứa nào cũng mặc quần áo vá, phải lấy cái thế vợ bí thư tỉnh ủy để mua năm cái bao đựng đường về giặt rồi nhuộm để may áo quần cho con.

Bà Lê cười trêu:

- Thế anh bảo bây giờ vợ anh không đẹp, con anh không ngoan à?

- Em đẹp chứ. Riêng cái việc vừa đi làm việc vừa nuôi trong chuồng một lúc ba con lợn. Năm đứa con, tôi đi công tác vắng, một mình em nuôi chúng nó khôn lớn, ngoan ngoãn thì cũng thừa tiêu chuẩn hoa hậu thời đại mới rồi.

Chi cười:

- Anh nịnh chị khéo thật đấy.

- Được anh cô nịnh thì tôi đã phúc. Mấy giờ rồi anh?

- Mười giờ.

- Còn một tiếng nữa mới hết giờ làm việc, có khi em đi làm đây.

- Anh chị đều gần năm mươi tuổi rồi mà anh anh em em nghe ngọt xớt.

- Thế cô chú xưng hô với nhau thế nào? – Bà Lê hỏi.

- Mỗi lần gọi, nhà em cứ cô nàng ơi cô nàng hỡi. Em bực quá cũng gọi lại anh chàng ơi anh chàng hỡi. Nghe cứ như hề chèo vui đáo để chị ạ.

- Cô Chi trưa nay ở lại ăn cơm với nhà tôi cho vui nhé. Các cháu đi sơ tán hết, bữa cơm nào hai vợ chồng tôi cũng bê bát cơm nhìn nhau buồn lắm. Hôm nay tôi mua được mấy lạng thịt ngon lắm, cũng bõ công xếp hàng.

- Em phải về vì chiều nay em hẹn xuống làm việc với lãnh đạo của xã Đạo Thắng chị ạ.

- Ăn cơm xong rồi về. Đây về Tam Bình mất hơn một tiếng đạp xe chứ có lâu lắc gì.

- Vâng. Chị cứ đi làm đi. Nếu anh Kim giữ lại thì em ở, anh ấy đuổi thì em về.

Bà Lê đi rồi còn lại ông Kim và Chi. Ông Kim hỏi:

- Theo cô ta nên làm gì để thoát ra khỏi tình trạng bế tắc trong sản xuất nông nghiệp hiện nay?

Chi chẳng cần đắn đo, nói luôn:

- Em chẳng biết làm sao nữa. Đôi khi em thấy bức bối thế nào ấy. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại cũng chẳng biết mình bức bối chuyện gì. Có đêm em ngồi thẫn thờ một mình trước sân và nghĩ quẩn: Hay ta bỏ quách kiểu làm ăn Hợp tác xã mà quay về thời kỳ vần công đổi công. Ruộng nhà ai nhà nấy làm. Trâu bò nhà ai nhà ấy nuôi. Nhà nước muốn đóng góp gì sẵn sàng góp.

Ông Kim cười:

- Đúng là cô nghĩ quẩn thật. Làm ăn tập thể là khuynh hướng tiến bộ nhất hiện nay. Nó là tiền đề để xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, cơ khí hóa, điện khí hóa và cả hóa học hóa. Một nền nông nghiệp manh mún với phương thức sản xuất lạc hậu làm sao tính đến chuyện thành thị hóa nông thôn. Hợp tác xã là môi trường tập dượt, rèn luyện lối sống sản xuất công nghiệp. Cô xem phim có thấy cảnh nông trường tập thể của Liên Xô không. Tôi mơ ước làm sao một ngày nào đó trên những cánh đồng của Việt Nam từ Nam chí Bắc lúc nào cũng rộn ràng tiếng máy cày, tiếng máy gặt đập liên hiệp. Đôi lúc tôi cũng trăn trở bức bối như cô. Đúng là Hợp tác xã nông nghiệp của mình đang có một cái gì đó tựa như những cái ung bướu đang đeo bám vào nó. Nếu không tìm cách phá vỡ nó ra thì cái cơ thể Hợp tác xã sẽ quặt quẹo và đi đến tử vong.

- Em rất mừng là suy nghĩ của anh lại trùng hợp với suy nghĩ của em.

- Đó là nghĩ thôi. Còn từ nghĩ đến làm là con đường gập ghềnh không ít chông gai. Chúng ta phải dựa vào dân. Họ là người trực tiếp làm ra lúa gạo nên họ biết phải làm cách nào cho cái bụng mình được no.

- Không biết anh thế nào chứ em suy nghĩ rất nhiều về những lời phát biểu của đồng chí Bằng anh ạ. Có lẽ chúng ta cần mạnh dạn phá bỏ những gì không hợp lí dẫn đến kìm hãm sản xuất, nếu không thì không thể nào gỡ được thế bế tắc hiện nay.

Ông Kim rít một hơi thuốc lào, ngồi trầm ngâm.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play

trướctiếp