Bí Thư Tỉnh Ủy

Quyển 4 - Chương 147: Khúc tưởng niệm một CON NGƯỜI (2)


...

trướctiếp

Linh cữu ông Kim quàn ở trong hội trường ủy ban. Phía trước linh cữu đặt một cái bàn để tấm ảnh bán thân của ông Kim. Trong làn khói hương nghi ngút, đôi mắt kiên nghị, thông minh và nhân hậu của ông như nhìn vào một cõi xa xăm nào đó. Trên chiếc phông đỏ là chiếc băng rôn màu đen với dòng chữ trắng: Vô cùng thương tiếc đồng chí Hoàng Kim, nguyên bí thư tỉnh ủy tỉnh Phước Vĩnh. Bên dưới chiếc phông, hàng chục vòng hoa của các cơ quan đoàn thể của tỉnh, của huyện. Có cả những vòng hoa mộc mạc giản dị của các vùng quê khác nhau về viếng. Từng đoàn đại biểu nối nhau vào thắp hương, tưởng niệm. Mấy mẹ con bà Lê khăn tang, áo sô đứng túc trực bên linh cữu. Chi và ông Dần tiếp nhận những vòng hoa đem đến viếng. Trên các nẻo đường đi vào thị xã, từng đoàn đại biểu của nông dân những vùng lân cận tiếp tục đổ về.

Vừa đặt chân đến hội trường ủy ban, bà Quê bước liêu xiêu đi đến nắm lấy tay Chi khóc nấc lên:

- Sao lại thế hả cô! Ông ấy ăn ở nhân đức như vậy sao trời phật không để cho ông ấy sống với bà con nông dân chúng tôi hả cô!

Chi an ủi:

- Ai cũng mong như vậy lắm bà ạ nhưng bệnh tình bác ấy nặng quá. Các bác sĩ đã cố hết sức để cứu bác ấy nhưng cũng không qua được.

Đoàn đại biểu Gia Đạo đứng thành hàng ngang trước linh cữu của ông Kim để mặc niệm. Dậu rút mấy nén hương châm rồi vái mấy cái, sau đó cắm vào bát hương.

Trong khi mọi người đứng tưởng niệm thì bà Quê đưa tay kéo hai đứa cháu của mình đến bên linh cữu ông Kim vừa khóc vừa kể lể:

- Ông ơi, ngày còn khốn khó, ông đưa tôi từ nhà ông về. Khi qua chợ ông mua cân thịt lợn cho mấy bà cháu tôi. Tôi bảo các cháu lạy ông để cám ơn. Ông cười bảo với mấy bà cháu tôi ông cho khất, chờ khi nào ông chết rồi lạy một thể. Mười năm nay tôi vẫn nhớ đến cái ân nghĩa ấy của ông nhưng chẳng biết lấy gì để đền đáp. Bây giờ ông cho mấy bà cháu tôi lạy ông mấy lạy để trả cái ơn ấy của ông ông ơi.

Bà Quê ngồi sụp xuống đất vừa khóc vừa lạy. Hai đứa con của Tế cao lộc ngộc cũng lạy theo bà.

Bà Lê bước đến ôm lấy bà Quê khóc nấc lên.

Ông Côn đi đến hỏi ông Quốc:

- Theo chương trình chỉ còn mười lăm phút nữa là đưa linh cữu của anh ấy lên xe mà bà con vẫn còn kéo đến viếng, tính sao đây anh?

- Ta cứ theo chương trình chứ chờ bà con đến viếng cho hết có khi phải kéo sang ngày thứ ba. Tỉnh đội đã chuẩn bị xe chở linh cữu chưa mà không thấy đâu cả?

- Xe đang đỗ ngoài kia. Sáng hôm qua tôi đã yêu cầu tỉnh đội cho sơn lại cho đàng hoàng, đồng thời cho kẻ vôi ở cả bốn bánh xe. Tôi vừa ra kiểm tra xong.

- Có khi anh cho đồng chí nào đó ra bảo đánh xe vào trong này rồi cho người chuyển dần các vòng hoa ra buộc xung quanh xe trước đi. Chủ yếu là các vòng hoa lớn. Còn những vòng hoa bé sẽ để cho bà con cầm.

Trong khi ông Côn và ông Quốc đang nói chuyện với nhau, một chiếc xe Mốt-cô-vích chạy vào cổng ủy ban. Hai người mặc com-lê màu đen ra khỏi xe. Nhận ra hai người vừa bước xuống, ông Quốc và ông Côn chạy ra đón.

Ông Ẩn trách:

- Các anh tệ quá! Anh Kim nằm viện mà chẳng hề báo cho chúng tôi lấy một lời để đến thăm. Đến khi anh ấy mất cũng không buồn báo.

Ông Côn thanh minh:

- Chúng tôi xin nhận khuyết điểm với hai anh, mong hai anh thông cảm. Anh Kim đưa xuống bệnh viện cấp cứu được hai hôm thì mất. Nhanh quá, lại rơi vào cảnh tang gia bối rối nên cũng không còn nhớ để báo cho hai anh được.

Ông Quốc hỏi:

- Vì sao hai anh biết mà lên viếng anh Kim?

Ông Sắc đáp:

- Năm giờ chiều hôm qua anh Trung Chính gọi điện qua chỗ tôi hỏi có lên viếng anh Kim không để cho anh ấy gửi vòng hoa lên viếng, vì anh ấy có chuyến đi công tác đột xuất nên không lên được. Đến lúc ấy tôi mới biết anh Kim mất, liền gọi điện báo cho anh Ẩn hay. Cả hai chúng tôi đều sửng sốt.

Ông Côn bảo:

- Xin mời hai anh vào viếng anh Kim. Vòng hoa để đấy tôi và anh Quốc đưa vào cũng được.

- Để chúng tôi cùng đưa vào với các anh cho trang trọng.

Nói xong ông Ẩn quay lại bảo lái xe mở cốp xe lấy vòng hoa ra rồi cùng cầm với ông Côn đi vào hội trường.

Vòng hoa của ông Trung Chính nổi bật lên với dòng chữ “Vô cùng thương tiếc anh Hoàng Kim.” Bên dưới là một dòng chữ nhỏ hơn: “Trung Chính kính viếng.”

Ông Ẩn, ông Sắc tưởng niệm xong đi đến cạnh bà Lê. Ông Ẩn nói giọng thương tiếc:

- Chúng tôi xin chia buồn sâu sắc đến chị và các cháu. Vì biết tin quá chậm nên chúng tôi không đến nhìn mặt anh ấy được khiến chúng tôi buồn vô cùng.

- Mấy mẹ con tôi xin cám ơn hai anh đã chia sẻ với nhà tôi trong những lúc nhà tôi gặp trắc trở và bây giờ lại về chia tay vĩnh viễn với anh ấy. Tôi không nghĩ cuộc đời anh ấy long đong lận đận cho đến lúc chết.

- Anh ấy để lại cho đời nhiều lắm chị ạ. Chị xem bà con đến tiễn đưa anh ấy thì biết bà con thương tiếc anh ấy biết nhường nào. Không phải ai làm lãnh đạo cũng được bà con yêu mến và kính trọng như anh ấy đâu.

Chiếc xe chở linh cữu ông Kim chạy chầm chậm trên đường. Dòng người tiễn đưa ông rồng rắn nối theo sau. Không kèn trống cờ quạt, chỉ có những tấm lòng thương tiếc theo ông đến nơi ông an nghỉ cuối cùng. Cả cuộc đời ông phần lớn dành cho đất đai, cây cỏ của dân, giờ đây đất đai cây cỏ ôm ông vào lòng.

Mộ ông Hoàng Kim bình dị nằm lẫn vào trong bao nhiêu ngôi mộ khác trên một quả đồi cách thị xã Phước Vĩnh không xa. Trong những vòng hoa phủ kín ngôi mộ của ông, những vòng hoa của bà con nông dân với những bông hoa hái ở vườn nhà, đồi núi với bao hương sắc hương đồng cỏ nội gắn với những tên đất, tên làng thân thuộc Gia Đạo, Cao Sơn, Hồng Vân, Thạch Lôi, An Bình, An Lưu, Yên Châu… Những tên đất tên làng một thời gắn với không biết bao nhiêu công sức nhọc nhằn, bao nỗi đau dằn vặt của ông để cho nông dân có được một cuộc sống no đủ. Phủ trong những vòng hoa, một tấm bia bằng gỗ cũng đơn sơ giản dị với dòng chữ màu đen: Mộ phần ông Hoàng Kim – Nguyên bí thư tỉnh ủy Phước Vĩnh. Sinh ngày 10-8-1917. Tạ thế ngày 10-5-1979. Hưởng thọ 62 tuổi.

Sáu mươi hai tuổi! Cuộc đời quá ngắn ngủi của một CON NGƯỜI.

Bà Lê và Dương ngồi trầm mặc bên cạnh mộ đưa mắt nhìn đăm đăm vào cánh đồng chạy quanh chân đồi. Cánh đồng chiều xơ xác. Nắng nhạt nhòa trong hương khói.

Một con cò từ giữa ruộng lúa bất thần cất cánh bay lên. Mảnh mai, đơn độc.

Cánh cò liêu xiêu mỗi lúc một xa dần rồi lẫn vào trong ánh nắng vàng vọt cuối chiều đang trôi dần vào hoàng hôn.

Thành phố Vĩnh Yên tháng 9-2007

Nghĩa Tân - Hà Nội tháng 7-2009

HẾT.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play

trướctiếp